Thượng đỉnh Helsinki, chưa gặp Trump, Putin đã chắc thắng
LGT: Chúng
tôi cho đăng lại dưới đây một số cách nhìn về cuộc gặp gỡ giữa Trump và
Putin đang diễn ra của các chuyên gia để giúp người Việt đấu tranh có
tập quán nhìn chính xác hơn đối với các biến cố chính trị đang xảy ra
trên đất nước cũng như thế giới. Kinh nghiệm của cuộc đấu tranh 73 năm
qua (1954 - 2018) cho thấy khẩu hiệu “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” và “địch sắp sụp đổ rồi” không phải là một phương thức nhận định chính trị đứng đắn và khoa học.
Khi Trump gặp Putin
Dù
ông Trump đã hai lần gặp Putin, tổng thống Mỹ rất muốn tái hiện thượng
đỉnh ở Phần Lan không khí giống như thượng đỉnh tháng trước gặp Kim Jong
Un ở Singapore: hội nghị thượng đỉnh mà Trump ra dáng hình ảnh vị tổng
thống quyền lực.
Vừa
muốn là tâm điểm và đồng thời muốn thúc đẩy quan hệ nồng ấm hơn với
Moscow, Trump đã bác mọi đề xuất của các cố vấn và yêu cầu các nghi lễ
ngoại giao của cuộc thượng đỉnh chính thức.
Ông
thường khoe với những người thân tín về số camera nhiều thế nào ở
Singapore, nói nó còn nhiều hơn cả ở giải Oscar. Bản thân ông ban đầu
còn nghi ngại Helsinki không đủ “hoành tráng” và ông muốn đón Putin ở
Nhà Trắng.
Các
cố vấn đã phải rất vất vả để thuyết phục Trump rằng thủ đô của Phần Lan
là vừa mức vào lúc này và đã có nhiều cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo
hai nước từng diễn ra ở đây.
Vốn
luôn tự tin vào khả năng xây dựng các quan hệ cá nhân, ông Trump luôn
yêu cầu các cố vấn phải sớm sắp xếp gặp Putin để tạo gắn kết. Sự ưu ái
đặc biệt của ông Trump với Putin, đặc biệt trong bối cảnh khi giới chức
Washington luôn thù hằn điện Kremlin, từ lâu vẫn là điều khó hiểu với
nhiều người.
Không phải thù, chẳng phải bạn
“Ông
ta rất tử tế trong mấy lần tôi gặp. Tôi cũng tử tế lại. Ông ta là đối
thủ cạnh tranh (của Mỹ)”, Trump đánh giá như vậy về Putin hồi tuần trước
với báo giới. “Bạn
biết đấy, có người hỏi, ‘ông ấy có phải kẻ thù?’ Không, ông ta không
phải. ‘Thế có phải là bạn?’ Không, tôi vẫn chưa biết đủ rõ về ông ấy”.
Với
kinh nghiệm về marketing và kinh doanh, Trump từ lâu vẫn tự tin rằng
việc làm chủ được hình ảnh uy quyền là quan trọng trong sự nghiệp chính
trị của ông.
Ông
vẫn khoe với các cố vấn rằng chuyến công du thành công ở Singapore
khiến ông giống một tổng thống cầm cương được thật sự. Ông rất nhạy khi
thấy tỷ lệ ủng hộ tăng nhẹ sau cuộc gặp thượng đỉnh.
Cũng
với sự chú ý tỉ mỉ tương tự như mỗi lần ông làm các chiến dịch quảng
cáo tranh cử, Trump đã nghĩ rất nhiều góc cho cuộc gặp của ông với Kim,
kể cả từ cái bắt tay ban đầu, rồi sau đó là cuộc gặp một đối một giữa
hai bên. Có lúc, ông làm đội mật vụ bảo vệ sốc khi bất ngờ cho ông Kim
coi chiếc xe limousine “The Beast” của mình.
Bất chấp những tranh cãi về kết quả thượng đỉnh với Triều Tiên, ông Trump luôn khoe rằng đó là thành quả đột phá.
Trong khi các cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Nga
từng diễn ra nhiều, ông Trump tin rằng tỷ lệ ủng hộ ông sẽ lại tăng nếu
ông cải thiện được quan hệ với Nga và khiến ông Putin có những nhượng
bộ mà ông Obama đã không thể trong hai nhiệm kỳ.
“Tôi có thể nói: ‘Ông giúp tôi được chứ? Ông ra khỏi Syria được không,’” Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News tháng trước. “’Ông có thể ra khỏi Ukraine được không?’”
Ông
Trump gặp ông Putin hai lần bên lề hai hội nghị quốc tế năm ngoái – lần
đầu ở Đức và lần thứ 2 ở Việt Nam - và cả hai lần ông đều mời ông Putin
tới Nhà Trắng. Đầu năm nay, khi gọi ông Putin, ông lại nhắc lại lời mời
này.
Sau
đó các cố vấn thuyết phục ông là nên làm ở nước ngoài, nhân chuyến thăm
tới EU và Anh. Ban đầu, ông lo lắng rằng Helsinki không phù hợp, ông
chỉ nhượng bộ sau khi nghe về những hội nghị thượng đỉnh trong lịch sử
giữa Mỹ - Nga ở Phần Lan và sau khi nghe ông sẽ được xếp lịch để thăm
một sân golf của mình ở Scotland.
Rất
nhiều người ở Washington lo lắng rằng dù hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở
đâu, ông Trump chỉ cần đồng ý gặp, ông đã trao cơ hội “xóa bỏ cấm vận”
cho ông Putin.
Thắng lợi địa chính trị
Brian Whitmore của Washington Post thì đánh giá chỉ riêng việc hội nghị diễn ra đã là thắng lợi lớn về địa chính trị của ông Putin.
Vladimir Frolov, nhà phân tích ở Moscow, gần đây phân tích trên Republic.ru, “Chỉ
riêng quyết định bước sang một trang mới này đã là chiến thắng quan
trọng với Putin, người cho tới giờ không nhượng bộ một phân và kiên nhẫn
chờ Mỹ phải phục hồi quan hệ”.
Một bài viết khác của Andrei Bystritsky, chủ tịch nhóm thảo luận Valdai, trên Izvestia
cũng hớn hở chỉ ra rằng trật tự thế giới đang khủng hoảng, từ vấn đề
nhập cư, chia rẽ trong EU và rạn nứt ngày càng lớn giữa hai bờ Đại Tây
Dương.
Ông cho rằng nước Nga đang chiếm “vị trí đặc biệt trên thế giới” và sẽ không thể có trật tự ổn định nếu không có Nga.
Về
phía tổng thống Nga, bản thân ông có kiểu gây ấn tượng trái ngược với
ông Trump. Khi ông gặp Tổng thống Trump tháng 7 năm ngoái, ông nhìn chằm
chằm xuống nền trái ngược hẳn với phong thái kiểu rất hiếu động của ông
Trump.
Nên khi hai ông gặp lại trong ngày hôm nay, Helsinki sẽ tiếp tục là cuộc đấu về thể hiện hình ảnh quyền lực - cuộc đấu mà giới quan sát cho rằng ông Putin chưa gặp đã thắng.
Chiến
thuật của ông Putin không hẳn là về sử dụng chính sách mới hay ký thỏa
thuận. Ông chủ điện Kremlin chủ yếu quan tâm tới hình ảnh, ở cả trong
nước cũng như bên ngoài. Dù
Trump cũng khát khao hình ảnh tương tự nhưng trong cuộc chơi chính trị,
Putin là người cực lão luyện so với ông chủ Nhà Trắng.
Việc
đây là thượng đỉnh cấp nhà nước cho phép Tổng thống Putin tạo hình ảnh
Trump rất cần mình để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Truyền
hình Nga sẽ rất hào hứng ghi lại hình ảnh nhà lãnh đạo sau khi tổ chức
rất thành công World Cup chỉ một ngày sau đã gặp mặt và tương tác với
nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu.
Về đột phá, ông Putin cũng hiểu sẽ khó giành được nhượng bộ lớn nào từ Trump ở các điểm nóng hai bên có tham gia.
Crimea và Syria
Cả
hai đã bác bỏ khả năng có đột phá về vấn đề Crimea, từng bị Nga sáp
nhập từ năm 2014 hay việc Trump sẽ ủng hộ Nga trở lại G8 hay hai bên đạt
thỏa thuận về vấn đề Syria.
Dù
ông Trump là vị tổng thống khác thường, ông thậm chí có thể đưa ra các
tuyên bố để ngỏ khả năng công nhận Crimea của Nga nhưng hầu hết nhà quan
sát nhìn nhận Trump sẽ bị kìm kẹp bởi Quốc hội và các nhóm đối ngoại ở Washington nên khó có thể “tự tung tự tác”.
Hơn
thế, Nga và Mỹ có cách nhìn rất khác nhau về vấn đề Ukraine (Kremlin
coi đây là vùng ảnh hưởng lịch sử) nên vấn đề này cũng khó có thể đột
phá dù đã có thông tin về khả năng hai bên đồng ý phương án lực lượng
gìn giữ hòa bình ở đông Ukraine.
Vào
lúc này, hai bên cũng không khả năng đạt thỏa thuận có giá trị nào về
vấn đề Syria. Trump dù có thể có chút cảm thông với lực lượng nổi dậy
chống Tổng thống Bashar Assad, người được Moscow ủng hộ, Washington khả năng cao chỉ đề nghị Nga kiềm chế bớt vai trò của Iran ở Syria.
Vào khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên bãi cỏ của cung điện Windsor để gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth 2, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra quyết định truy tố 12 quan chức tình báo quân sự Nga với cáo buộc tấn công email đảng Dân chủ.
Lệnh
truy tố được phê chuẩn bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người
đang phụ trách điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Nó
là lời nhắc nhở rằng song song với những chuyến công du của Tổng thống
Trump và những thăng trầm trong quan hệ Washington - Moscow kể từ khi
ông Trump nhậm chức, cuộc điều tra của Mueller vẫn tiếp diễn.
Kẻ thù hay đồng minh bất đắc dĩ?
Nhiều
nhà quan sát cho rằng cuộc gặp trực tiếp như thế này chỉ mang hại cho
Mỹ vì ông Putin rõ ràng là một "cáo già" so với Trump. "Đối với Putin, Trump là kiểu một kẻ ngốc có ích", Vox dẫn lời Andrei Kolesnikov, một chuyên gia về Nga làm tại Viện Carnegie Moscow.
Một nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên so sánh trên New Yorker rằng "gã đàn ông của chúng ta (Trump) giống như một tay đấm bốc nghiệp dư lên sàn cùng Muhammad Ali".
Wall Street Journal,
tờ báo bảo thủ, cũng cho rằng cuộc gặp có thể là dấu chấm hết cho những
nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga kể từ cuộc sáp nhập Crimea đến nay và
mang lại nhiều rủi ro hơn cho phía Washington.
"Rõ
ràng Mỹ đang muốn tương tác nhiều hơn với Nga, nhưng chất lượng của
những cuộc tương tác đó là gì?", Thomas Graham, một nhà ngoại giao từng
làm việc tại Nga và hiện là giám đốc điều hành của hãng tư vấn chính
sách Kissinger Associates, Inc. "Tôi nghĩ đó sẽ là mối quan hệ rất trắc trở".
Ở
mặt khác, Trump cần cuộc gặp này. Trước khi đến Phần Lan, tổng thống Mỹ
bất đồng với các đồng minh NATO về ngân sách quốc phòng rồi thăm nước
Anh trong khi một quả không khí cầu "Trump mặc tã" khổng lồ bay trên bầu
trời London. Trong cả 2 cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim và Putin, ông
Trump đều bước đến với tâm thế tìm kiếm một thành tựu để khỏa lấp những
rắc rối với đồng minh và cả sóng gió nội bộ ở Washington D.C.
Putin cũng cần Trump. Wall Street Journal
nhận định đối với ông Putin, chỉ việc cuộc gặp diễn ra đã là một thành
tựu. Nhà lãnh đạo Nga từ lâu muốn được xem như một đối tác bình đẳng,
chứng tỏ tầm quan trọng của Moscow trên trường quốc tế và thúc đẩy các
nước phương Tây ngưng chiến dịch cô lập.
Điện
Kremlin trước kia từng đồng ý các lực lượng nước ngoài nên rời Syria.
Điều đó có nghĩa là lực lượng của Nga và Iran sẽ chỉ rời đi nếu các lực
lượng nước ngoài khác - từ các nhóm jihad cho tới lính Thổ Nhĩ Kỳ - cũng
làm tương tự.
Về
nguyên tắc, Kremlin có thể muốn một thỏa thuận lớn, một Yalta 2.0, mà
trong đó Mỹ thừa nhận Crimea của Nga và đổi lại Nga thúc đẩy việc Iran
rút khỏi Syria. Trên thực tế, ít người tin thỏa thuận như vậy có thể đạt
được..
Khả năng lớn nhất theo các chuyên gia là ông Putin sẽ thắng về hình ảnh: ông
chủ Kremlin trông người lớn nhất trong phòng họp thượng đỉnh. Cách thức
kích động và những tuyên bố mâu thuẫn của ông Trump khiến ông Putin
trông thật lão luyện và chín chắn. Và đó chính là hình ảnh mà tổng thống
Nga muốn thể hiện.
Với
cung cách của Trump, ông chủ Nhà Trắng rất dễ có những phát biểu kiểu
để ngỏ khả năng thừa nhận Crimea, dừng tập trận NATO ở châu Âu hoặc cho
Nga trở lại G8.
Bất cứ phát biểu nào kiểu vậy cũng đồng nghĩa ông Putin đã “dắt mũi” được ông Trump. Và sẽ càng tốt hơn nữa nếu ông Trump phát biểu về Đông Âu và NATO mà gây thêm bất đồng và hỗn loạn trong liên minh.
Theo
Time Magazine, một số thỏa thuận có thể đạt được ở thượng đỉnh: một
tuyên bố về Syria hoặc cam kết về tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Nhưng những thỏa thuận kiểu vậy là kiểu ghi nhớ mà hầu như chẳng có cam
kết gì thật sự.
Có
rất nhiều lý do Tổng thống Putin muốn hình ảnh mạnh mẽ. Kể từ khi Liên
Xô sụp đổ, người Nga luôn cảm thấy lo về vị thế đất nước suy giảm trên
toàn cầu. Sự ủng hộ mà ông Putin có thực tế dựa vào ảnh hưởng toàn cầu
mà nước Nga thể hiện ra bên ngoài.
Cuộc
bầu cử hỗn loạn 2016 giúp Kremlin thể hiện một nước Mỹ với rất nhiều
vấn đề nội bộ còn nước Nga hoàn toàn có thể đóng vai trò với các vấn đề
quốc tế.
Nhiều
chuyên gia của Kremlin nói rằng Moscow thích làm việc với các tổng
thống Cộng hòa hơn vì họ thường chủ trương chính trị thực dụng thay vì
kiểu lý tưởng hóa như phe Dân chủ.
Trump
chưa chứng minh được khả năng đàm phán của mình nhưng ít nhất Moscow có
thể tận dụng sự non kém của ông chủ Nhà Trắng cho mục tiêu của mình.
Bóng ma cuộc bầu cử
"Chuyện
một tổng thống Mỹ gặp tổng thống Nga là chuyện bình thường, ngay cả
trong những thời gian căng thẳng sâu sắc, nó có thể là một cơ hội để
thảo luận những vấn đề quan trọng như mối quan tâm chung, xóa đi cách
biệt và tìm kiếm điểm chung", Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Barack Obama, viết trên New York Times.
"Chính
xác thì điều không thường gặp ở đây là Tổng thống Trump - với một chiến
dịch tranh cử đang bị điều tra vì có thể liên quan đến Nga và vì việc
ông ấy liên tục khen ngợi Vladimir V. Putin trong khi chỉ trích những
đồng minh gần gũi nhất của chúng ta".
"Vì
vậy, việc gặp ông Putin là nước cờ nguy hiểm và có thể phản tác dụng.
Nhiều rủi ro trong khi lợi ích, nếu có, lại khó thấy được", bà Rice viết.
Tính
đến thời điểm Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 quan chức tình báo Nga, có tất
cả 32 người, phần lớn là người Nga đang vắng mặt, bị truy tố. Ngoài ra
còn có 4 cố vấn cũ của ông Trump. Tuy nhiên, hiện chưa có cáo buộc nào
cho rằng các cố vấn của Trump đã thông đồng với Nga để thay đổi kết quả
cuộc bầu cử.
Các
đảng viên Dân chủ đã kêu gọi tổng thống hủy bỏ cuộc gặp với Putin,
trong khi Thượng nghị sĩ John McCain cũng cho rằng cuộc gặp không nên
diễn ra chừng nào tổng thống chưa sẵn sàng để "buộc Putin chịu trách
nhiệm".
"Không phải trùng hợp mà đúng vào lúc này", Politico dẫn
lời John Dean, cựu cố vấn Nhà Trắng thời tổng thống Richard Nixon,
người nổi tiếng với lời khai góp phần khiến tổng thống phải từ chức. "Nó buộc Trump phải đối đầu Putin. Nếu ông ấy không làm thế tức là ông ấy cũng có tội".
Angela Stent, giáo sư Đại học Georgetown và là tác giả cuốn sách sắp phát hành Putin's World, cũng nói trong một cuộc phỏng vấn: "Việc
lệnh truy tố được công bố ngày hôm nay (13/7) gây thêm áp lực cho Trump
về việc phải nói chuyện này với Putin. Khi ông ấy bước ra từ cuộc họp,
ông ấy phải nói gì về nó".
Phát
biểu trước khi đến Phần Lan, tổng thống Mỹ hứa rằng ông sẽ nêu vấn đề
này trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Nhưng ông cũng nói trước rằng
mình có thể không làm được gì nhiều.
Các
tổng thống của Nga và Mỹ không chỉ từng gặp nhau nhiều lần, họ còn gặp
nhau ở Helsinki nữa. Từ thời Chiến tranh Lạnh đến tận ngày nay, Helsinki
có cả một lịch sử dài về việc trở thành cầu nối cho hai siêu cường thế
giới.
Hội
nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ quan trọng nhất trong lịch sử được cho là
cuộc gặp vào năm 1975 giữa tổng thống Mỹ Gerald Ford và nhà lãnh đạo
Liên Xô Leonid Brezhnev để thảo luận về Hiệp ước Helsinki. Theo đó, Mỹ
và Liên Xô đã tập hợp được 35 quốc gia cùng ký một điều khoản ghi nhớ
thời Chiến tranh Lạnh, cam kết tôn trọng các đường biên giới đã được xác
lập sau Thế chiến thứ 2 và các nước Liên Xô sẽ tiến đến ký kết công ước
về nhân quyền.
Đến
năm 1990, Helsinki trở thành nơi tổng thống George H. W. Bush gặp lãnh
đạo Mikhail Gorbachev trong bối cảnh Liên Xô đang sụp đổ và Chiến tranh
Lạnh đi đến hồi kết. Trước đó 2 năm, ông Gorbachev cũng gặp người tiền
nhiệm của Bush "cha", tổng thống Ronald Reagan tại Helsinki.
Lần
cuối cùng nơi này chào đón lãnh đạo Nga - Mỹ đến gặp gỡ là vào năm
1997, khi Tổng thống Bill Clinton gặp Tổng thống Boris Yeltsin, nhà lãnh
đạo nước Nga thời hậu-Liên Xô đầu tiên.
Trong bài viết đăng trên Foreign Affairs,
tác giả Michael Kimmage viết rằng cuộc gặp thượng đỉnh song phương chỉ
nên là bước khởi đầu cho việc tương tác ngoại giao giữa 2 nước đã 8 năm
không có gặp gỡ thượng đỉnh chính thức. Còn những phần việc thật sự mang
lại thay đổi lại thông qua các đàm phán ngoại giao lâu dài và ở cấp
thấp hơn.
"Để
thành công, cách tiếp cận này cần có được sự kỷ luật, kiên nhẫn, sự chú
ý đến các tiểu tiết như đã được chứng tỏ cách đây 45 năm ở thành phố
Bắc Âu mộc mạc Helsinki", ông Kimmage viết.
Khi
ông Trump đến gặp ông Kim, "chỉ việc cuộc gặp diễn ra được đã là một
thành công rồi". Chưa từng có lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nào từng gặp
nhau trong lịch sử.
Điều
này sẽ không lặp lại tại Helsinki. Chuyến đi này của ông Trump có trở
thành lịch sử hay không buộc phải phụ thuộc vào những bước tiến mà mà 2
nước đạt được sau đó.
Kết
quả sẽ không đến nhanh chóng, nhưng 2 nhà lãnh đạo có thể đặt viên gạch
khởi đầu cho những thảo luận thực chất và lâu dài hơn.
No comments:
Post a Comment