Monday, November 19, 2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Hạ giọng nhưng chưa hạ nhiệt
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa có tín hiệu khả quan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ dịu giọng tuyên bố: “Washington có thể không cần áp đặt thêm các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.
ảnh 1Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) ngày 29-11 tới là cơ hội tuyệt vời để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết những căng thẳng về thương mại giữa hai nước
Trả lời báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Bắc Kinh đã gửi cho Washington một danh sách những điều mà Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện. Tài liệu này bao gồm 142 Mục, được chia thành 3 lĩnh vực: “Các vấn đề Trung Quốc sẵn sàng đàm phán để có hành động nhiều hơn”; “Các vấn đề Trung Quốc đang thực hiện” và “Các vấn đề được cân nhắc không đàm phán”.
Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washington liên tục trả đũa lẫn nhau bằng cách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau. Đến nay, Mỹ đã áp thuế đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và đe dọa sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh mới chỉ đáp trả bằng cách áp thuế 60 tỷ USD với hàng hóa của Washington.
Khỏi phải nói “cuộc chiến thương mại” này tác động thế nào đến nền kinh tế của Trung Quốc. Số liệu chính thức công bố ngày 19-10 cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt mức 6,5% trong quý 3-2018. Đây là mức tăng trưởng quý thấp nhất của Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Mức tăng này cũng thấp hơn mức dự báo 6,6% trước đó của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát.
Nhưng tình thế của Mỹ cũng không dễ dàng gì. Chẳng hạn tại bang Indiana, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đem lợi cho một số bên nhưng lại gây tổn hại cho người khác. Trong khi các nhà máy thép ở khu công nghiệp miền Bắc bang này đang hưởng lợi vì thuế mức cao của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, thì những nông dân trồng đậu tương lại gặp khó khăn vì thuế trả đũa của Trung Quốc áp dụng cho nông sản.
Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán thì ông Donald Trump cũng ngay lập tức hạ giọng. Có điều khác biệt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này trải rộng trên quá nhiều vấn đề, từ cách tiếp cận thị trường đến cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ công ty Mỹ. Thực tế, dù Bắc Kinh đã liệt kê ra 142 mục theo yêu cầu của Washington, thì ông Donald Trump vẫn chưa hài lòng bởi vẫn còn 4 hay 5 mục lớn bị loại đi.
Giờ đây, dư luận đặt hy vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G 20), sẽ diễn ra tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày 29-11. Theo kế hoạch, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sẽ đến dự. Đây được cho là cơ hội tuyệt vời để hai ông giải quyết những căng thẳng về thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, với cách biệt khá xa về quan điểm như hiện nay, hai bên khó sớm đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại sau Hội nghị G20 này. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ và đi đến thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đang tìm cách đạt được điều như Mỹ sẽ có 100%, còn Trung Quốc chẳng có gì. Điều đó là không công bằng và không khả thi”.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vì thế chưa thể hạ nhiệt bởi đây là cuộc cạnh tranh nhằm giành vai trò siêu cường số 1 thế giới.

No comments:

Post a Comment