Nga tuyên bố, việc áp đặt tình trạng thiết quân luật là “công việc nội bộ” của Ukraine nhưng cũng cảnh báo hậu quả nếu Kiev tiếp tục leo thang căng thẳng. Trong khi đó, giới ngoại giao các nước tiếp tục kêu gọi hai bên cần hạ nhiệt căng thẳng trên biển Azov.
3 tàu Hải quân Ukraine đang bị phía Nga thu giữ sau vụ đụng độ ở Biển Đen
Ukraine đặt trong tình trạng chiến tranh từ hôm nay 28-11Ngày 27-11, các đơn vị của lực lượng liên quân tham gia chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine đã được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu sau khi nước này ban bố tình trạng chiến tranh 30 ngày kể từ ngày 28-11. Hãng RBK-Ukraine dẫn nguồn cơ quan báo chí Lực lượng liên quân cho biết, theo lệnh của Chỉ huy trưởng Lực lượng Sergey Naev, các quân nhân phải nâng cao cảnh giác, các đơn vị được đặt trong tình trạng luôn sẵn sàng chiến đấu.
Cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và Ukraine bùng lên sau khi vào ngày 25-11, Nga đã nổ súng bắn vào các tàu của hải quân Ukraine, sau đó bắt giữ những con tàu này, với cáo buộc xâm phạm vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen.
Trong diễn biến mới liên quan đến vụ đụng độ, ngày 27-11 người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasili Gritsak xác nhận trong các con tàu Hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ có sĩ quan tình báo của cơ quan này.
Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 27-11 cho biết, việc Ukraine áp đặt tình trạng thiết quân luật là “công việc nội bộ”, tuy nhiên điều đó có nguy cơ làm gia tăng xung đột tại các khu vực của nước này, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố trên truyền hình rằng Matxcơva đã áp dụng các biện pháp tăng cường bảo vệ khu vực vịnh Kerch, gần cầu Kerch, sau vụ bắt giữ 3 tàu Ukraine.
Theo bà Zakharova, Nga phải áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh, đặc biệt trong bối cảnh có những tuyên bố nổ mìn, phá hủy... cây cầu Kerch vừa khánh thành nối với bán đảo Crimea. Bà Zakharova khẳng định, phản ứng của Matxcơva là hành xử văn minh bình thường trong tình huống như vậy.
Dư luận quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế
Tiếp tục phản ứng của các nước về vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 27-11 tuyên bố, Nga và Ukraine cần hạ nhiệt căng thẳng trên biển Azov. Quan chức này cũng kêu gọi trả tự do cho các tàu và thủy thủ đoàn bị bắt giữ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đề nghị Nga và Ukraine tìm kiếm giải pháp trong khuôn khổ Bộ tứ Normandy (Nga, Ukraine, Đức, Pháp). Ông cho rằng châu Âu cần nỗ lực để giảm căng thẳng và không để xuất hiện một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn đối với an ninh châu Âu.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống UkrainePoroshenko, bày tỏ sự quan ngại về cuộc đối đầu mới nhất giữa Nga và Ukraine ở xung quanh bán đảo Crimea. Văn phòng của Thủ tướng Merkel hôm 26-11 nhấn mạnh: “Điều cần làm bây giờ là phải làm dịu căng thẳng và tiến hành đối thoại”.
Cũng trong ngày 27-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan bày tỏ muốn thấy hòa bình trên Biển Đen, kêu gọi Nga và Ukraine giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl tuyên bố tình hình trên eo biển Kerch cần giải quyết thông qua đàm phán. Phương Tây cần tìm cơ hội đối thoại với Nga, như trong khuôn khổ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại và cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế và giảm căng thẳng.
No comments:
Post a Comment