Mỹ đòi Trung Quốc rút hỏa tiễn khỏi Trường Sa
Báo Japan Times cho hay như vậy và nhận xét rằng, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trực tiếp đề cập vấn đề các giàn hỏa tiễn tối tân được Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Yêu cầu này đưa ra khi các giới chức ngoại giao và quân sự hàng đầu của hai nước gặp nhau hôm 9 Tháng Mười Một 2018 trước khi có thể có cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuộc gặp này là giữa ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis của Mỹ với ủy viên bộ chính trị đặc trách ngoại vụ Dương Khiết Trì và bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phụng Hòa của Trung Quốc nhằm đối thoại các vấn đề đang gây căng thẳng giữa hai nước.
Giới chức Mỹ, ngược lại, tuyên bố họ sẽ tiếp tục bay qua hay đi tàu qua bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép. Hoa Kỳ không coi các đảo nhân tạo ở Trường Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam vẫn tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi.
Sau cuộc họp nói trên, Ngũ Giác Đài ra một bản tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ.
“Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống hỏa tiễn khỏi những cứ điểm đang tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và tái xác định rằng mọi quốc gia nên tránh giải quyết tranh chấp xuyên qua ép buộc hay đe dọa”. Bản tuyên bố của Ngũ Giác Đài viết.
Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ tránh bình luận về một bản tin viết căn cứ vào tin tình báo của chính phủ nói rằng Trung Quốc đã bố trí các giàn hỏa tiền phòng không và hỏa tiễn chống tàu mặt nước trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Đá Su-bi và Đá Vành Khăn từ Tháng Tư sang đầu Tháng Năm vừa qua.
Ba đảo vừa kể được gọi là nhóm “ba đảo lớn” vì chúng có cả phi đạo dài 3,000 mét và nhiều nhà chứa máy bay để các phi cơ quân sự lớn nhất của họ lên xuống hay cất giữ ở đó. Ngoài phi đạo và nhà chứa máy bay, trên các đảo này còn hàng chục tòa nhà cao tầng, các dàn radar, các hệ thống truyền tin, viễn thông.
Theo những gì được tiết lộ, Trung Quốc đã mang đến các đảo nhân tạo vừa kể các hệ thống hỏa tiễn chống hạm YJ-12B có tầm bắn từ 400km đến 500km, các hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9B có tầm bắn đến 200km với khả năng tiêu diệt máy bay, máy bay không người lái và các hỏa tiễn địch bắn tới.
Tháng Bảy năm 2016, Tòa án Hòa giải Quốc Tế The Hague (Hòa Lan) ra phán quyết yêu sách chủ quyền “đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông là vô giá trị sau khi Bắc Kinh bị chính phủ Philippines kiện. Dù vậy và dù là một thành viên ký công nhận Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) Bắc Kinh vẫn ngang ngạnh bác bỏ phán quyết và coi những đảo và bãi đá ngầm họ cướp của Việt Nam là của ông cố ông tổ nhà họ để lại từ ngàn xưa.
Với những tuyên bố người ta nghe thấy hay nhìn thấy những ngày gần đây, căng thẳng Biển Đông không có dấu hiệu giảm bớt. (TN)
No comments:
Post a Comment